Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2016 – Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh |
Vòng chung kết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2016 được người dân thành phố và du khách háo hức chờ đón với hàng loạt các hoạt động văn hóa, lễ nghi mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là các trận đấu sôi nổi, hấp dẫn diễn ra tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh về công tác chuẩn bị để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, thành công, phát huy giá trị lễ hội- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
-Công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội đến thời điểm này ra sao, thưa đồng chí?
– Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2016 là năm thứ 27 khôi phục và phát triển lễ hội. Quận Đồ Sơn tiếp tục phối hợp Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, đồng tài trợ chính Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội và VNPT Hải Phòng tổ chức. Có thể khẳng định, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều hành hoạt động lễ hội cơ bản được hoàn tất. Các ông trâu được chăm sóc huấn luyện chu đáo, hứa hẹn cống hiến các kháp đấu hay, quyết liệt.
Một trong những vấn đề được quận Đồ Sơn đặc biệt quan tâm trong công tác tổ chức lễ hội năm nay đó là chú trọng hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của lễ hội để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo du khách, trong khi sức chứa của sân vận động trung tâm quận hạn chế. Do vậy, để bảo đảm công tác tổ chức khoa học, chu đáo, an toàn, UBND quận Đồ Sơn và ban tổ chức phân công rõ người, rõ việc, gắn trách nhiệm của phòng, ban, đơn vị, các phường và mỗi cá nhân. Công an quận, công an các phường và các đơn vị chức năng phối hợp triển khai, tăng cường lực lượng tuần tra, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người dân, du khách về dự hội. Hoạt động dắt trâu vào sân, mở cửa thoát trâu, lối ra vào sân vận động được lên phương án chi tiết, bảo đảm trật tự, khoa học. Các trại trâu chờ vào sân thi đấu được xây dựng kiên cố, bảo đảm mỹ quan, an toàn, thay thế các chuồng quây bạt trước đây. Hàng rào bảo vệ chung quanh sân chọi trâu được thu hẹp để tạo không gian tập trung phục vụ các trâu thi đấu và quá trình bắt trâu dễ dàng hơn. Các đường thoát trâu được gia cố chắc chắn. Công tác phân phối, bán vé được tổ chức sớm, công khai, minh bạch. Hoạt động quản lý giết mổ trâu được tăng cường và giao cụ thể từng đơn vị, bảo đảm tập trung ở khu vực trong sân vận động, không để xảy ra tình trạng bán thịt trâu ở ngoài đường, vỉa hè. Một trong những nét mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là thay đổi trình tự một số nghi lễ vào hội; thời gian tổ chức các hoạt động nghi lễ được thực hiện sớm hơn (bắt đầu từ 7 giờ 30 phút) để bảo đảm thời gian các ông trâu thi đấu và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn 2016 hứa hẹn nhiều hấp dẫn và quyết liệt trong từng kháp đấu. Ảnh: Hoàng Phước |
-Vậy đâu là giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
– Lịch sử và văn hóa truyền thống của lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn rất đặc biệt, ngấm sâu vào đời sống người dân, gắn với truyền thuyết và các nghi lễ tâm linh riêng có ở vùng đất cửa biển. Đây cũng là lễ hội chọi trâu duy nhất được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 10 người có công khôi phục lễ hội cách đây 27 năm được công nhận là nghệ nhân dân gian. Do mang yếu tố văn hóa tâm linh nên các trận đấu của lễ hội diễn ra hấp dẫn, kịch tính, nhiều miếng đánh độc, lạ và rất khó đoán định. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có phần lễ đặc trưng với những nghi lễ tâm linh rất riêng, tạo nên giá trị văn hóa được người dân bao thế hệ gìn giữ, phát huy. Đó là, lễ dâng hương (mồng 1-8 âm lịch); lễ rước nước (7-8 âm lịch), lễ tế thần trâu vô địch (10-8 âm lịch), lễ tống thần (16-8 âm lịch)…
Lễ hội ngày càng nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước biết đến là niềm vui, tự hào để lớp lớp các thế hệ người Đồ Sơn trân trọng, gìn giữ giá trị lễ hội. Tuy nhiên, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang tầm vóc lễ hội cấp quốc gia nên công tác tổ chức, bảo tồn đòi hỏi cần có sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành chức năng trung ương, thành phố trong việc đầu tư nâng cấp sân vận động trung tâm quận, nơi diễn ra các trận đấu chọi trâu của lễ hội; giúp quận Đồ Sơn tổ chức các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của lễ hội; hỗ trợ ban tổ chức trong việc phục hồi những nghi lễ cổ truyền, những phong tục truyền thống có từ xa xưa của lễ hội; công tác quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động của lễ hội… bảo đảm xứng tầm lễ hội- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Chủ tịch UBND phường Ngọc Hải Hoàng Đình Triều: Tổ chức tốt các hoạt động lễ hội ở cơ sở
Tại vòng chung kết lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2016, phường Ngọc Hải có 2 trâu tham gia, đó là trâu số 04 của ông Đinh Đình Hùng và trâu số 05 của ông Đinh Đình Ngọc. Cùng các phường trên địa bàn quận Đồ Sơn, phường Ngọc Hải làm tốt công tác chuẩn bị lễ hội, tổ chức các hoạt động tại đình Ngọc Hải và sẵn sàng tham gia các hoạt động lễ hội của quận với ý thức trách nhiệm, tự hào về lễ hội của quê hương. Ban tổ chức lễ hội của phường phân công trách nhiệm từng thành viên, tổ chức thăm hỏi, động viên các giáp trâu thực hiện nghiêm quy chế lễ hội.
Mặt khác, để bảo đảm các bước triển khai theo đúng quy định, ban tổ chức lễ hội phường Ngọc Hải chủ động thực hiện trình tự nghi thức phần tế lễ đúng theo phong tục truyền thống của địa phương, từng bước phát huy giá trị văn hóa lễ hội, tạo không khí tưng bừng ngày hội của quê hương Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn, phường Ngọc Xuyên: Góp sức gìn giữ giá trị lễ hội truyền thống
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đi vào tiềm thức của người Đồ Sơn hàng trăm năm qua, với niềm tự hào về giá trị truyền thống của lễ hội- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những ngày diễn ra lễ hội, trong mỗi gia đình luôn nói về lễ hội, bàn luận về các ông trâu tham gia vòng chung kết. Nhất là trong các gia đình vinh dự có trâu tham gia lễ hội, thường người dân đến rất đông vào mỗi buổi chiều để cùng ngắm ông trâu, cùng chỉ ra các điểm mạnh yếu của ông trâu, cơ hội lọt vào vòng trong của ông trâu.
Là công dân phường Ngọc Xuyên, chúng tôi tự hào là địa phương có nhiều trâu tham gia các kỳ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Qua 27 năm khôi phục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, phường Ngọc Xuyên đoạt 17 giải, trong đó 9 giải nhất; 3 giải nhì; 5 giải ba. Ngoài ra còn được Báo Hải Phòng tặng cờ chủ trâu có đôi trâu chọi hay. Phường cũng có nhiều chủ trâu được vinh danh là nghệ nhân dân gian về những đóng góp lớn cho lễ hội như nghệ nhân: Lê Bá Tuyền, Nguyễn Khắc Thơ, Hoàng Gia Bổn, Đinh Đình Phú. Tôi nghĩ, mỗi gia đình, mỗi người dân ở Đồ Sơn đều yêu thích lễ hội nên họ luôn ý thức trách nhiệm với lễ hội, người có điều kiện thì tham gia mua trâu chọi, ủng hộ kinh phí và tinh thần tất cả vì lễ hội truyền thống của quê hương; người chưa có điều kiện thì bỏ công, sức tham gia các hoạt động, các nghi lễ diễn ra ở địa phương, đình làng, đến xem các trận đấu.
Là người dân ai cũng có thể tham gia dù ít, dù nhiều công sức của mình, bằng thực tâm để góp sức gìn giữ giá trị lễ hội chọi trâu truyền thống của Quê hương Đồ Sơn.
Ông Lưu Đình Tới, chủ trâu số 26, phường Vạn Hương: Chăm sóc, huấn luyện trâu sẵn sàng tham gia lễ hội
Tôi vinh dự có trâu số 26 lọt vào vòng chung kết lễ hội chọi trâu năm 2016. Cũng như các chủ trâu khác, tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp sức tạo nên những trận đấu sôi động, hấp dẫn của vòng chung kết lễ hội. Do vậy, trong quá trình huấn luyện và chăm sóc trâu, chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết và phát huy kinh nghiệm trong quá trình tham gia lễ hội để chăm sóc, luyện trâu có chất lượng cao nhất. Muốn vậy, các chủ trâu như chúng tôi phải hiểu tính cách và đặc điểm của trâu để đưa ra cách thức chăm và huấn luyện tốt nhất, bảo đảm trâu có thể lực, miếng đánh hay nhất. Mặt khác, chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ lưỡng trâu 21 sẽ gặp trâu 26 của mình để hiểu đặc điểm, thế mạnh, điểm yếu của đối thủ. Qua đó, đưa ra chiến thuật hợp lý nhất ngày từ lúc dắt trâu vào sới chọi, thi đấu hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, việc thắng thua không thể nói trước, do vậy các chủ trâu chỉ biết dồn tâm sức, nhiệt huyết để chăm sóc, huấn luyện trâu chọi, cống hiến kháp đấu hay, góp phần vào thành công của lễ hội. |
Theo Báo Hải Phòng
Các tin khác
Xây dựng Đồ Sơn, Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế: “Tăng tốc” các dự án hạ tầng đẳng cấpKhai mạc Liên hoan du lịch “Đồ Sơn- Điểm hẹn du lịch 2018” Rộn ràng, tươi vui, đậm chất vùng đất và con người Đồ SơnKỷ niệm 59 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải, Cát Bà; Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, khai mạc du lịch Cát Bà năm 2018: Ấn tượng, đặc sắc đêm nghệ thuật “Cát Bà xanh”Huyện Vĩnh Bảo Tổ chức trang trọng lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KhiêmKhoe nét đẹp, hút bạn bèHoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông – Cú hích du lịch biển Hải Phòng tỏa sángPhát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc bộLập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KhiêmCát Bà xanh- điểm hẹn mùa thu đông: “Cú hích” phát triển du lịchBệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng khai trương Khoa Sản 2