Ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn

Tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5.12, ông Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua tính toán, ảnh hưởng từ đại dịch tới kinh tế là rất nặng nề.

Với giả thiết không xảy ra đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 7%. Nhưng thực tế năm 2020 chỉ đạt 2,91%. Năm 2021 dự kiến tăng hơn 2%. Tổng 2 năm theo ông Phong, đại dịch đã “cuốn” đi hơn 500.000 tỉ đồng, thiệt hại vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Quốc ChínhÔng Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ảnh: Quốc Chính 

Để giảm thiệt hại về kinh tế, ông Phong cho rằng phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để nhanh chóng tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

Trong đó, ông Phong nhấn mạnh đến việc khơi thông tiêu dùng nội địa, xuất khẩu – 2 động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, gói kích thích cần hướng tới giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh, nhà ở cho công nhân, trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định để khôi phục nhanh chóng nền kinh tế Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Ở khía cạnh kích thích thị trường trong nước, ông Phong nhấn mạnh đến việc khai thác, đẩy mạnh hàng tiêu dùng thay thể hàng nhập khẩu hiện nay. Đồng thời không khuyến khích quá mức bởi vậy sẽ giảm tiết kiệm, giảm đầu tư. Ông Phong cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện phục hồi, thì chuyển đổi số sẽ là điều quan trọng để tận dụng sức mạnh thời đại.

Kinh tế Việt Nam trung hạn và dài hạn vẫn tích cực

Tại diễn đàn, phân tích về tác động của COVID-19 tới tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho biết, sự phục hồi kinh tế ở Châu Á là không đồng đều, khu vực Đông Á tiếp tục là điểm sáng, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của Trung Quốc, dự báo gần đạt được sự tăng trưởng trước đại dịch vào năm sau.

“Năm 2020, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh tới tăng trưởng và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ giảm sâu vào năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn và dài hạn vẫn tích cực”, ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Song, khi phân tích về thách thức và rủi ro, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, COVID-19 vẫn là mối đe doạ với phục hồi kinh tế, đặc biệt là với chủng mới Omicron. Kinh tế khu vực phục hồi, nhưng không đồng đều. Các nền kinh tế khống chế thành công dịch bệnh và có độ phủ vaccine cao sẽ tận dụng được các cơ hội của phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, biến động giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thế giới và khả năng “siết” lại các chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế phát triển sẽ là những rủi ro cho phục hồi kinh tế của Châu Á.

Theo ông Cường, trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 – 2023.

Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.

Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường đề nghị, cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.

“Điều quan trọng nhất là Việt Nam có dư địa áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ thì liệu Việt Nam có còn dư địa thời gian để thực hiện các biện pháp ngắn hạn”, ông Nguyễn Minh Cường nêu câu hỏi.

Theo Báo Lao động