Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Cát Bi của quân và dân Kiến An, là trận đánh đạt hiệu suất lớn nhất về việc tiêu diệt, phá hủy máy bay địch. Cùng với chiến thắng Gia Lâm, chiến thắng Cát Bi làm nức lòng nhân dân cả nước, đây là một trong những tiêu điểm cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta vào thời điểm gần đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong chiến cục đông xuân 1953 – 1954 của quân và dân ta.

Mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi

Sân bay Cát Bi được người Pháp khởi công xây dựng năm 1912. Diện tích sân bay rộng 1.400 héc ta, trong đó 500 héc ta xung quanh là vành đai trắng, có hai đường băng chéo nhau được thiết kế cho phi cơ hạng nặng có thể lên xuống được. Đây là sân bay lớn nhất Đông Dương được giặc Pháp tái thiết sau ngày chúng trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai – là một sân bay chiến lược của thực dân Pháp – là cầu hàng không chi viện cho cả chiến trường bắc Đông Dương và mặt trận Lào. Thực dân Pháp đã biến nơi này thành một hệ thống cụm cứ điểm mạnh để bảo vệ Thượng Lào, tạo bàn đạp tiến công chiếm lại vùng Tây Bắc nước ta và tiêu diệt quân chủ lực của ta. Với sự bố phòng cẩn mật, vững chắc, lại thêm ba mặt Bắc, Đông và Nam đều có biển và sông bao bọc, căn cứ Cát Bi đã được địch coi là nơi “bất khả xâm phạm”. Năm 1952 – 1953, sân bay Cát Bi được thực dân Pháp tái thiết, mở rộng và nâng cấp để trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nơi đây có thể chứa 500 máy bay, nhưng thời gian này địch chỉ có 277 chiếc các loại, đỗ thành hàng ngang men theo các đường băng, chiếc nọ cách chiếc kia khoảng 50 mét, hơn 700 phi công, 44 tên cố vấn quân sự người Mỹ và một đại đội tham mưu sân bay. Lực lượng bảo vệ gồm ba tiểu đoàn lính Bắc Phi, một tiểu đoàn lê dương, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn ngụy và một đại đội phòng nhì. Lực lượng bảo vệ do một tên thiếu tướng Pháp chỉ huy chung. Ngoài ra còn có 1 Trung đội lính Âu Phi luân phiên tuần tiễu quanh sân bay bằng cơ giới và chó săn. Hệ thống phòng thủ liên hoàn được xây dựng với 78 đồn bốt, tháp canh, pháo phòng không cùng hàng rào dây thép gai, mìn dày đặc, đủ loại đèn pha, pháo sáng rà quét suốt ngày đêm. Với hệ thống phòng thủ, bảo vệ trên, thực dân Pháp coi đây là một nơi trú quân an toàn, một đồn lũy kiên cố để tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, viện binh, viện trợ của Mỹ gửi qua cảng Hải Phòng tới các mặt trận và cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Tổng Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị “Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954” được Bộ Chính trị thông qua và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được[1].

Điện Biên Phủ là một thung lũng thuộc tỉnh Lai Châu nằm giữa vùng Tây Bắc cách thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng từ 300 đến 400km đường chim bay. Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch nhưng lại có những mặt yếu cơ bản là cô lập, xa hậu phương, mọi tiếp tế đều phải vận chuyển từ nơi khác tới, bằng đường không. Do đó, nhiệm vụ tiến công sân bay Cát Bi càng sớm càng tốt, để phối hợp với chiến dịch trở thành yêu cầu cấp bách.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp để thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954. Đây là một kế hoạch đồ sộ chứa đựng nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Đầu tiên là việc chọn hướng, địa bàn mở chiến dịch, tình hình địch, ta và khả năng trình độ tác chiến của ta lúc đó chưa cho phép quân ta đánh lớn, đánh và tiêu diệt lớn ở chiến trường đồng bằng, đô thị. Nhưng yêu cầu của chiến tranh lúc đó là quân ta phải đánh tiêu diệt lớn, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn thì mới làm chuyển biến cơ bản và nhanh chóng cục diện chiến tranh. Muốn đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, đánh tiêu diệt lớn, trong khi kẻ địch lại đông quân và vũ khí trang bị hơn ta để giành được thắng lợi, ít thương vong thì ta phải chọn hướng địch yếu và ở địa bàn rừng núi thiên hiểm.

Mở đầu chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, Đại đoàn 316 được lệnh tiến lên Tây Bắc, bước ra quân chiến lược đầu tiên là điểm trúng huyệt khiến Na-va vội vã điều động 6 tiểu đoàn cơ động tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến nó thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với binh lực lên tới 9 tiểu đoàn, Na-va muốn tương kế, tựu kế biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt – một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn chủ lực của ta, đồng thời lại vẫn bảo vệ được nước Lào. Kế hoạch Na-va bắt đầu bị đảo lộn. Còn ta cũng lại tương kế tựu kế thực hiện chiến tranh nhân dân, căng địch ra trên toàn chiến trường Đông Dương mà đánh, trói địch lại trên chiến trường Điện Biên Phủ để tiêu diệt.

Mặc dù trước đó chưa có kế hoạch phối hợp tác chiến cụ thể với chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng khi Bộ Chính trị quyết định chủ trương tác chiến Đông Xuân (1953 – 1954), Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu Tả Ngạn đã chỉ rõ: “Tích cực nắm sơ hở địch, đẩy mạnh các hoạt động du kích, chủ động đánh phá càn quét nhỏ để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ”.

Tỉnh đội Kiến An được Quân khu giao cho trực tiếp tham gia tập kích vào sân bay Cát Bi, phối hợp với chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954. Dựa vào kết quả của công tác trinh sát, ta đã lên được phương án tác chiến tỉ mỉ, đồng thời chuẩn bị phương án huấn luyện bộ đội sát với thực tế yêu cầu của trận đánh.

Kế hoạch trận đánh sắp được tiến hành thì địch tăng cường càn quét khủng bố. Việc chuẩn bị hầm bí mật của cơ sở bị địch tàn phá gần hết. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt, bị giết. Tổ chức phải tăng thêm cán bộ xuống các xã vận động quần chúng tăng cường phòng gian giữ bí mật, đấu tranh giành giật với địch để bảo vệ cơ sở.

Chấp hành chủ trương của Trung ương về tổ chức phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn[2] chỉ thị cho Tỉnh đội Kiến An: Tổ chức một trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hủy một số lớn máy bay địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, làm cản trở sự chi viện của địch cho các mặt trận, thúc đẩy chiến tranh du kích của ta trong vùng địch tạm chiếm. Yêu cầu đặt ra cho trận đánh là phá hoại ít nhất 50 máy bay, bảo toàn lực lượng, giành thắng lợi về quân sự.

Chấp hành chỉ thị của trên, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, Tỉnh uỷ Kiến An chỉ thị cho Ban chỉ huy Tỉnh đội là: Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn, Tỉnh ủy Kiến An dùng lực lượng trực tiếp tập kích sân bay gồm 32 đồng chí bí mật luồn sâu đột nhập vào sân bay, tiến công thành hai mũi vào các vị trí được phân công. Hướng đột nhập vào sân bay là hướng Đông Nam. Mục tiêu tiến công chủ yếu là khu máy bay đỗ trên đường băng chính và đường băng phụ, bố trí lực lượng nhỏ, có chất lượng chiến đấu cao, hành động bí mật, bất ngờ đột nhập sân bay, phá hủy một số lớn máy bay, đánh nhanh, rút nhanh về căn cứ trước khi trời sáng.

Nhận định đánh giá tình hình, địa bàn, lực lượng giữa ta và địch đưa ra kế hoạch tập kích đánh Sân bay Cát Bi

Sân bay Cát Bi nằm sâu trong vùng chiếm đóng của quân Pháp thuộc huyện  Hải An, tỉnh Kiến An[3] (nay là quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Xung quanh sân bay, địch tạo thành một vành đai trắng rộng hàng trăm mét. Phía Bắc, sân bay cách trung tâm thành phố Hải Phòng 7km; từ hướng Đông Bắc vòng xuống Tây Nam đều giáp sông và biển, tạo thế độc lập và ngăn cách sân bay với với các vùng giáp ranh Kiến Thuỵ và xa hơn nữa là vùng tự do Tiên Lãng của ta. Ta muốn vào đánh sân bay thì phải vượt qua nhiều sông ngòi, vùng dân cư thưa thớt, khó trụ lại sau trận đánh, mà đánh song phải rút nhanh về căn cứ trước khi trời sáng để bảo đảm an toàn. Thời tiết diễn ra trận đánh vào tháng giêng, tháng hai, gió mùa Đông Bắc, có ảnh hưởng tới tốc độ hành quân, tiếp cận mục tiêu, nhưng cũng tạo được thuận lợi cho ta bí mật hành động.

Về tình hình địch: Là một trong những sân bay chiến lược lớn nhất của quân Pháp ở Đông Dương, được trang bị hiện đại và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lực lượng bảo vệ sân bay khoảng 3.000 tên còn hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ và 44 cố vấn quân sự Mỹ. Trang bị vũ khí có 25 trọng liên, 13 cối 81 mm, 13 vị trí trọng liên bố trí thành một cụm phòng không bảo vệ sân bay. Khả năng sân bay có thể chứa 500, nhưng thường xuyên có khoảng 277 chiếc, ngoài ra còn nhiều kho đạn, quân trang, quân dụng. Xung quanh sân bay có 6 hàng rào dây thép gai bao bọc, gồm các loại hàng rào đơn, mái nhà, cũi lợn, bùng nhùng. Sân bay có 77 lô cốt, tháp canh kiên cố, bố trí giải khắp sân bay; 22 vị trí chiến đấu bên ngoài hàng rào thứ nhất tính từ ngoài vào; 38 vị trí chiến đấu rải ra giữa các hàng rào bên trong và trong sân bay; 5 vị trí chiến đấu rải dọc đường 14 từ cầu Rào đến Quý Kim để bảo vệ sân bay từ xa. Khoảng cách giữa các hàng rào, lô cốt, tháp canh đều có lực lượng kiểm soát và các bãi mìn, vật cản gây tiếng động khi va chạm. Cứ 30 phút một lần, các đội tuần tra bằng xe cơ giới mang theo chó săn lùng sục quanh sân bay. Địch thường xuyên tổ chức những trận càn quét sâu vào vùng nông thôn Kiến Thuỵ, lập tề để tạo thành khu đệm ngăn cách sân bay với vùng tự do Tiên Lãng của ta.

– Về tình hình ta: Do địch thực hiện vành đai trắng, khủng bố gắt gao những vùng xung quanh để bảo vệ sân bay, do đó, ta chưa xây dựng cơ sở xung quanh sân bay thuộc huyện Hải An; các xã Tân Phong, Hợp Đức, Hòa Nghĩa… thuộc huyện Kiến Thuỵ có cơ sở Đảng, nhưng hoạt động còn yếu. Trong khí đó, địch tổ chức mạng lưới tề dõng, chỉ điểm thường xuyên càn quét, bắt bớ hòng lung lạc tinh thần của nhân dân, phá cơ sở kháng chiến của ta. Các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Kiến An đã có nhiều kinh nghiệm đánh vào các căn cứ, kho tàng nằm sâu trong lòng địch, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm đánh sân bay.

Ngày 28/2/1954, Ban chỉ huy và đồng chí Đặng Kinh – Tỉnh đội trưởng thông qua kế hoạch đánh sân bay Cát Bi của đồng chí Minh Khánh (tức Lê Thừa Giao) – Chỉ huy trưởng trận đánh. Ta đã chuẩn bị, bố trí các lực lượng, thời gian, rất công phu, tỉ mỉ, tập dượt nhiều lần, để tập kích đánh Sân bay Cát Bi.

Lực lượng bảo đảm chiến đấu gồm: Quân báo Tỉnh đội đảm nhận nắm cơ sở, trinh sát địch, xác định khu vực, mục tiêu tiến công và chuẩn bị địa bàn tác chiến, do đồng chí Mai Năng phụ trách. Để chuẩn bị cho trận đánh này, lực lượng quân báo đã phải 36 lần vào trinh sát sân bay, xây dựng cơ sở. Lực lượng phối hợp chiến đấu gồm: 2 tổ thuộc Đại đội 198 có nhiệm vụ phá đường 14, đánh chặn xe cơ giới địch từ ngã Ba Ninh Hải xuống, từ Đồn Riềng lên, không cho địch chặn đường vào ra của ta qua đường 14, quãng quán Hòa Nghĩa. Bộ đội địa phương huyện Kiến Thuỵ kết hợp với du kích bí mật bám sát các đồn Quý Kim, Đồng Mô, Phúc Xá, Lão Phong. Hai tiểu đội của các Đại đội 295 và 198 áp sát, bao vây các đồn Riềng, Tạm Xá, sẵn sàng kiềm chế địch trong vị trí để bảo vệ đường rút của ta về căn cứ. Hai tiểu đội của Đại đội trợ chiến 29 và Đội đánh thuỷ lôi (giao thông chiến) được trang bị 2 ba-zô-ca và thuỷ lôi tự tạo, bố trí trận địa phục kích dọc đê Văn Úc từ xóm Vo Am đến bến đò Dương Áo, Tiên Lãng, sẵn sàng đánh ca-nô, tàu chiến địch trên sông Văn Úc, bảo vệ bến vượt sông và khu giấu thuyền đón bộ đội qua sông.

Lực lượng chiến đấu gồm 32 người, được chọn từ các đơn vị tập trung của Tỉnh đội: Đại đội 295, Đội quân báo 208…, tổ chức thành một đội chiến đấu, do đồng chí Minh Khánh (tức Lê Thừa Giao), Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội chỉ huy. Lực lượng chiến đấu được tổ chức hai mũi: Mũi 1 gồm 17 chiến sỹ do đồng chí Minh Khánh chỉ huy; Mũi 2 gồm 15 đồng chí, do đồng chí Đỗ Tất Yến, Đại đội trưởng Đại đội 295 phụ trách. Từng mũi tổ chức thành tổ 3 người, được trang bị súng, lựu đạn, dao găm và mỗi người có 3 quả bộc phá.

Dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Thừa Giao và đồng chí Đỗ Tất Yến nhận lệnh xuất phát. Trước thời điểm đó, đồng chí Dương Hữu Miên, tư lệnh Khu, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Đặng Kinh, tỉnh đội trưởng đã trực tiếp đến động viên và giao nhiệm vụ cho đơn vị.

Diễn biến trận tập kích

18 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1954, đơn vị tập kích sân bay gồm 32 người xuất phát từ Chử Khê, Hùng Thắng, Tiên Lãng, sau đó tổ chức vượt sông Văn Úc bằng thuyền qua đò Dương Áo sang Tân Trào, Cổ Trại, bơi qua sông Đa Độ sang Minh Tân, Tân Phong. Đến 4 giờ ngày 6 tháng 3 năm 1954, bộ đội xuống hầm bí mật ở Hợp Lễ, Hòa Nghĩa thuộc xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thuỵ. 18 giờ ngày 6 tháng 3, bộ đội lên khỏi hầm bí mật, tập trung tại đầu làng Hòa Nghĩa, cán bộ kiểm tra vũ khí, trang bị của từng người, nhắc lại nhiệm vụ và động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

19 giờ 45 ngày 6 tháng 3, bộ đội hành quân từ Hòa Nghĩa qua Quán He, đường 14, vượt qua sông Lạch Tray, lội qua bãi lầy, men theo đường vòng dài hơn 10 km trong đêm tối và gió lạnh. Đến gần hàng rào thứ nhất thì dừng lại, cán bộ chỉ huy quan sát nhận đúng hướng và mục tiêu, lệnh cho tổ quân báo lên cắt hàng rào, mở 2 cửa mở. Địch trong sân bay luôn đi tuần và chiếu đèn pha, nên việc mở cửa phải mất 1 giờ.

Lúc 0 giờ ngày 7 tháng 3, Mũi 1 do đồng chí Minh Khánh chỉ huy đã vào sân bay, bí mật ém quân gần đường băng, cách khu sân bay gần 50 mét. Mũi 2, do đồng chí Đỗ Tất Yến chỉ huy đã vượt qua hàng rào thứ 5, thì gặp một hồ rộng, nước sâu, bèo tốt, không thể lội qua hoặc vòng qua được. Lúc ấy, đã sắp đến giờ nổ súng, đồng chí Yến đắn đo định cho nổ súng, báo hiệu cho Mũi 1 cứ đánh, nhưng các đồng chí quân báo dẫn đường đề nghị không nổ súng mà quay lại đi theo đường của Mũi 1 vào sân bay để cùng đánh.

Lúc 0 giờ 45, cả hai mũi đã triển khai xong, tất cả thành hàng ngang đối diện với đường băng nơi máy bay đỗ. Theo hiệu lệnh tiến công, các chiến sỹ dũng cảm xông vào khu máy bay đang đỗ, móc bộc phá, dật nụ xòe phá huỷ máy bay. Hàng loạt tiếng nổ làm trấn động cả một vùng, lửa cháy sáng rực bầu trời. Càng về sau, tiếng nổ càng dữ dội, tung lên những cột lửa và cháy lan sang những mục tiêu bên cạnh, tạo thành một đường lửa dài theo đường băng máy bay đỗ. Bộ đội ta vừa đánh vừa hô xung phong uy hiếp quân địch; thừa thắng, quân ta đánh hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Cuộc chiến đấu diễn ra trong vòng 15 phút, sau đó các mũi nhanh chóng rút ra ngoài theo đường đã được rải vải trắng đánh dấu đường ra.

Đêm ấy, cả thành phố Hải Phòng và nhân dân các huyện Hải An, Kiến Thụy, quanh sân bay và ven đường 14, bừng tỉnh giấc, hướng về Cát Bi đang rực cháy với niềm tin vui sướng vô hạn, càng thêm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Sân bay Cát Bi cháy suốt 17 tiếng đồng hồ, 59 máy bay địch bị phá hủy cùng nhiều phương tiện vũ khí. Bộ đội Kiến An đã thực hiện thắng lợi vượt mức yêu cầu Khu ủy đề ra.

Chiến dịch phát triển, tổn thất của quân Pháp càng lớn. Số máy bay bị bắn rơi, bị phá hủy ngày càng nhiều. Chính phủ Pháp phải huy động tất cả máy bay B26 của nước Pháp sang làm nhiệm vụ ở Đông Dương. Do hoạt động tích cực và có hiệu quả của quân ta trên chiến trường, máy bay Pháp phải chấm dứt việc hạ cánh xuống Điện Biên Phủ sau chuyến cuối cùng vào ngày 26 tháng 3. Địch thừa nhận từ ngày 30 tháng 3 trở đi việc thả dù ngày càng bị hạn chế. Từ 40 đến 60 phần trăm số hàng được thả dù rơi vào tay quân ta.

Kết quả trận đánh

Chỉ 30 phút chiến đấu, địch bị diệt 6 lính Âu phi, bị phá huỷ 59 máy bay trong đó phần lớn là B26; về phía ta: 3 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị thương và 1 đồng chí bị địch bắt. Đồng thời, trong quá trình trinh sát, chuẩn bị và chiến đấu, ta có 16 cán bộ bị bắt và hy sinh [4].

Chiến thắng sân bay Cát Bi ngày 07/3/1954 của bộ đội địa phương tỉnh Kiến An đã làm thiệt hại nặng về máy bay địch, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ và các mặt trận khác; cổ vũ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Hải Phòng, Kiến An và nhiều địa phương khác trong cả nước hướng về Điện Biên Phủ, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Cát Bi cổ vũ phong trào chiến tranh du kích đánh sâu vào căn cứ của thực dân Pháp trên đồng bằng Bắc Bộ; làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp, các sỹ quan, binh lính, tay sai địch hoang mang, lo sợ, mất hết lòng tin vào sự “bất khả xâm phạm” căn cứ nằm sâu trong vùng chúng kiểm soát.

Đặc biệt, trận đánh sân bay Cát Bi, trước 6 ngày khi ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ, vào thời điểm địch tăng cường bảo vệ các sân bay để phục vụ cho tác chiến ở Điện Biên Phủ, việc tập kích thành công vào sân bay Cát bi bằng lực lượng rất tinh nhuệ làm cho quân đội Pháp càng sa sút tinh thần. Không những chúng bị đánh dữ dội ở phía trước mà cả phía sau cũng không thoát khỏi những đòn sấm sét của quân và dân ta. Chiến thắng Cát Bi ngày 7 tháng 3 đã góp phần thúc đẩy nhanh sự sụp đổ và tan rã của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Cát Bi ngày 07/3/1954 là trận tập kích chiến lớn nhất, tiêu biểu nhất, đánh dấu bước trường thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Hải Phòng về tinh thần quyết tâm chiến đấu, không sợ gian khổ, hy sinh, trình độ tác chiến với hình thức tập kích hiệu suất chiến đấu cao. Ngay sau khi nhận được tin trận tập kích sân bay Cát Bi thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” cho cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử này.

Đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Ở đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta đã tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo, xứng đáng là một “mặt trận điển hình đánh vào địch hậu”, có hiệu quả và hiệu suất chiến đấu cao… Những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi đánh thẳng vào nơi trung tâm quân sự của giặc, đã phá hủy một bộ phận quan trọng không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ

Ý nghĩa của chiến thắng Cát Bi

Chiến thắng Cát Bi là cả một quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu rất công phu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng địch hậu – Kiến An, Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, kiên quyết của Tỉnh ủy và Khu ủy. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, quyết tâm chiến thắng quân địch, bảo toàn lực lượng của quân dân Hải Phòng – Kiến An.

Qua 8 tháng chuẩn bị, 4 lần xuất kích, đầy khó khăn gian khổ, nhiều mất mát hy sinh, người thì bị bắt, người thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường, song quân ta vẫn giữ được khí tiết và lòng tin, thực hiện trận đánh thắng lợi, hoàn toàn. Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của quân và dân ta.

Trận tập kích sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 là trận tập kích lớn, chuẩn bị dài ngày, nhưng phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng cho trận đánh giành thắng lợi to lớn, của một tỉnh đồng bằng Bắc bộ đánh sâu vào hậu phương quân địch. Phối hợp kịp thời, có hiệu quả trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng to lớn ở Cát Bi đã ảnh hưởng vang dội trên khắp các chiến trường trong toàn quốc, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất. Nó đã cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ ở Cát Bi càng hoang mang, bối rối. Bị tổn thất nặng nề, liên tiếp, địch càng gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị quân ta bao vây.

Tập kích sân bay Cát Bi thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về quân sự – chính trị – ngoại giao. Đối với ta, chiến thắng này đã cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân cả nước, củng cố lòng tin của cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vào khả năng dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ đánh vào những mục tiêu được bảo vệ cẩn mật ngay trong lòng địch. Kết quả của trận đánh này chứng tỏ hậu phương của ta rất vững chắc. Có dân, được lòng dân là có điều kiện rất cơ bản để khắc phục khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Kết quả của trận đánh cũng khẳng định sự cần thiết có tính nguyên tắc là phải có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, phải huấn luyện công phu thì mới giành được hiệu suất chiến đấu cao. Trong trận này thấy rõ vai trò chỉ đạo chính xác kịp thời của Tỉnh ủy. Việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện của các cấp chỉ huy khá chu đáo. Nhờ đó cán bộ và chiến sĩ tham gia trận đánh đã quán triệt nhiệm vụ, phát huy cao độ ý chí chiến đấu, tinh thần kỷ luật tự giác và trình độ sử dụng vũ khí có trong tay để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến thắng sân bay Cát Bi đã đi qua 70 năm. Nhưng những bài học về trình độ tác chiến của quân và dân ta từ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tự hào với truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng”, lực lượng vũ trang Hải Phòng luôn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua, ra sức phấn đấu vượt mọi khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đây cũng chính là chỗ dựa vững chắc, là cơ sở nền tảng và là kim chỉ nam hành động đối với Đảng bộ thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Hải Phòng những năm qua và trong thời gian tới để Hải Phòng xứng đáng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững trên các lĩnh vực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao… đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của Trung ương, của Nhân dân cả nước và của các tầng lớp Nhân dân thành phố Cảng.

[1] 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

[2] Tháng 2/1952, khu Tả Ngạn được thành lập.

[3] Tháng 10/1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội, khoá II, đã thông qua nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng – Kiến An lấy tên “Thành phố Hải Phòng” như hiện nay.

[4] Cát Bi – Đường 5 Điện Biên Phủ.