Mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp

Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, đến cuối tháng 3-2019, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới đạt 3% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong khi đó, đây là hướng sản xuất hiệu quả cao, cần mở rộng đáp ứng yêu cầu thị trường hàng hóa, hướng tới xuất khẩu.    

 

Diện tích trồng rau hữu cơ của Công ty CP thực phẩm xanh Ký Duyên tại xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo).

 

Sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu quy chuẩn

Tại trang trại Đảo Bầu, Công ty CP xăng dầu An Hòa đầu tư đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 10-15 ha. Sản phẩm gồm lúa, rau xanh, cây ăn quả, cá nước ngọt. Công ty kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi vừa sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm. Tại một số quận, huyện khác có mô hình sản xuất cây và rau theo hướng hữu cơ như mô hình trồng dưa hấu ở xã Tiên Cường (Tiên Lãng); trồng rau, dưa lê Hàn Quốc, dưa kim cô nương ở các xã Hợp Đức (Đồ Sơn), Hòa Nghĩa, Anh Dũng (Dương Kinh), Đồng Minh (Vĩnh Bảo). Các huyện có vùng bãi ven sông như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão…có khoảng 1000 ha lúa hữu cơ tại ruộng rươi.

 

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Cao Thanh Huyền, quy mô nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố chưa được mở rộng để khai thác hết tiềm năng, ưu thế của hướng sản xuất này, do nhiều vướng mắc, trước hết là cơ chế chính sách. Theo Nghị định 109 ngày 29-8- 2018 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực từ ngày 15-10 – 2018, Bộ Khoa học-Công nghệ được giao chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi, công bố các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Nhưng, đến nay các bộ, ngành chức năng vẫn chưa công bố được tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ… Do vậy, người sản xuất tự đầu tư, tự công bố sản phẩm của mình là sản phẩm hữu cơ, sau đó lưu thông tại các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm sạch, mà thực tế chưa có bất cứ giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ do tổ chức, đơn vị nào cấp. Tình trạng này khiến người tiêu dùng băn khoăn, dè dặt về chất lượng sản phẩm, khó khăn cho khâu tiêu thụ cũng như mở rộng sản xuất.

Chính vì phát triển tự phát nên quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Một số doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy mô lớn lại vướng thủ tục, vốn. Chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Trong khi thành phố định hướng nhưng chưa có cơ chế cụ thể hỗ trợ, khuyến khích sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Thu hút doanh nghiệp sản xuất hàng hóa

Để mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, các bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất đối chiếu, áp dụng đối với sản xuất thực tế.

Tại địa phương, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hải Phòng sớm tham mưu với thành phố cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm hữu cơ với quy mô lớn. Các doanh nghiệp có thể thuê đất hoặc hợp tác với nông dân để phát triển các dự án nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất thuận tiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất, đầu tư giống, vốn và thuê lao động tại địa phương tham gia sản xuất theo quy trình được giám sát. Doanh nghiệp cũng có thể hợp tác cùng chia lãi với nông dân. Nông dân có đất canh tác trở thành hộ sản xuất vệ tinh, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường…

Sở NN-PTNT nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có gen tốt để sản xuất hiệu quả, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mở rộng xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm…Tập huấn, nâng cao nhận thức người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, phối hợp ngành Công Thương kết nối người sản xuất với doanh nghiệp, hệ thống phân phối sản phẩm. 

Theo Nghị quyết 04-2016/NQ-HĐND ngày 29-3- 2016 của HĐND thành phố về nhiệm vụ giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 3200- 4500 ha. Trong đó diện tích sản xuất lúa hữu cơ 3000-3500 ha, sản lượng đạt 12-15 nghìn tấn; diện tích cây ăn quả từ 700-1000 ha, sản lượng đạt 4200- 4800 tấn.

Theo Báo Hải Phòng




Các tin khác

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Còn nhiều tiềm năng, cơ hội khai thácKhởi công xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood tại huyện Tiên LãngSản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi thói quen canh tácKết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2017Đẩy mạnh xây dựng, phát triển nông nghiệp thông minhDoanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp: Mong được tạo điều kiện bằng cơ chếỨng dụng công nghệ sinh học trong xây dựng nông thôn mớiThực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Đầu tư tối thiểu 193 nghìn tỷ đồng từ ngân sáchPhát triển nông nghiệp đô thị sinh thái: Hướng đi mới nhiều tiềm năngKhánh thành Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo công suất 6.000 tấn/năm