Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi thói quen canh tác

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, trong vòng 10 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp, rõ nét đến sản xuất nông nghiệp. Để thích ứng nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp…

Ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm bớt rủi ro do thiên tai.

Nhận thức còn hạn chế

Vụ mùa năm nay, bệnh lùn sọc đen lại xuất hiện trên đồng ruộng. Thành phố tập trung chỉ đạo các địa phương quyết liệt phòng, chống bệnh bảo vệ lúa mùa. Thống kê của Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật cho thấy, đồng ruộng có xu thế phát sinh sâu bệnh với diện tích bị hại ngày càng gia tăng. Năm 2010, bệnh lùn sọc đen mới xuất hiện rải rác. Từ năm 2010 đến vụ xuân năm 2017 trên đồng ruộng không phát sinh bệnh này. Tuy nhiên, từ vụ mùa 2017, bệnh xuất hiện trở lại với diện tích gây hại khoảng 4665 ha, cao gấp 13 lần so với năm 2010. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thường xuyên xuất hiện các loại bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, bệnh Niu- cát- sơn, dịch tả vịt…

Nguyên nhân của việc xuất hiện bệnh, theo một số nhà khoa học là do biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Hải Phòng là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, nước mặn thường lấn sâu vào các cửa sông nên khả năng lấy nước vào các hệ thống gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có thời điểm xâm nhập mặn tới cống Trung Trang (huyện An Lão) làm diện tích canh tác bị hạn ở địa phương này chiếm 28%  tổng diện tích canh tác. Xâm nhập mặn vào sâu đất liền làm mặn hóa một diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp, hiệu quả sản xuất hạn chế, dịch bệnh ngày càng gia tăng trên cây trồng, vật nuôi…

Từng bước khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp chỉ đạo sản xuất thích ứng với điều kiện này song chưa dễ thay đổi thói quen sản xuất của nông dân. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện An Lão Nguyễn Văn Nhất cho biết, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khung thời vụ được đẩy sớm hơn. Tuy nhiên, không phải xã nào cũng áp dụng đúng khung thời vụ  do nông dân khó bỏ thói quen canh tác truyền thống. Ở một số địa phương chăn nuôi phát triển ngành như các huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Dương… chính quyền địa phương tăng cường công tác vận động, cảnh báo những dịch bệnh nguy hiểm nhưng nông dân lơ là, chưa tích cực phòng, chống dịch bệnh. Nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu còn hạn chế, trong khi chính quyền địa phương chưa tích cực chỉ đạo thay đổi thói quen sản xuất để hạn chế thiệt hại. Nhiều nông dân cho rằng, biến đổi khí hậu chưa tác động trực tiếp đến sản xuất nên chưa vội ứng phó…

Chỉ đạo sản xuất cụ thể, quyết liệt hơn

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện An Dương Nguyễn Văn Toản nhận xét, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, song việc cảnh báo, đưa ra những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của các ngành chức chưa cụ thể, chưa phù hợp với trình độ, nhận thức của bà con. Vì vậy, thời gian tới, các nhà khoa học, các ngành chức năng nên chỉ rõ, hướng dẫn cụ thể nông dân hướng tới sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cho phù hợp bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc thay đổi khung thời vụ phù hợp đối với từng đối tượng sản xuất.  

Cụ thể, các địa phương cần cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp phối hợp với cán bộ thôn yêu cầu nông dân áp dụng đúng khung thời vụ, tích cực thay đổi cơ cấu giống lúa. Các ngành chức năng giúp nông dân thử nghiệm sản xuất, đánh giá kết quả một số giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu để lựa chọn, áp dụng sản xuất thay thế các giống đang sử dụng, đồng thời giám sát áp dụng. Ở một số địa phương có diện tích sản xuất lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao, thường xuyên xảy ra khô hạn do thiếu nước tưới…, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi canh tác từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi hoặc trồng cây ăn quả…

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở NN-PTNT tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm bớt thiệt hại do biến đổi khí hậu. Thực tế, việc sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về phân bón mới, chế phẩm sinh học hiện đại giảm bớt được nguy cơ sâu bệnh gây hại, chất lượng sản phẩm an toàn, đem lại giá trị kinh tế cao. Theo Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp kỹ thuật cao ToxeGreen Phạm Văn Hiến, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống ngoài cánh đồng dễ dàng bị mưa bão gây thiệt hại. Canh tác trong nhà lưới bớt rủi ro, cho sản phẩm an toàn hơn. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn bà con nông dân sớm tiếp cận các giải pháp sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, đồng thời sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giải pháp kỹ thuật ứng dụng với chi phí phù hợp” .

Theo Báo Hải Phòng




Các tin khác

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Còn nhiều tiềm năng, cơ hội khai thácKhởi công xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood tại huyện Tiên LãngMở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệpKết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2017Đẩy mạnh xây dựng, phát triển nông nghiệp thông minhDoanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp: Mong được tạo điều kiện bằng cơ chếỨng dụng công nghệ sinh học trong xây dựng nông thôn mớiThực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Đầu tư tối thiểu 193 nghìn tỷ đồng từ ngân sáchPhát triển nông nghiệp đô thị sinh thái: Hướng đi mới nhiều tiềm năngKhánh thành Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo công suất 6.000 tấn/năm